Trong văn hóa cưới của phương Tây, các chàng trai, dù giàu hay nghèo, nói năng khéo léo hay ngại ngùng, vẫn sẽ luôn chuẩn bị những lời ngọt ngào và chiếc nhẫn cầu hôn xinh xắn để ngỏ lời về mong muốn chung sống trọn đời với cô gái mình yêu. Khi nàng đồng ý, đó sẽ như lời hứa về một đám cưới không xa.
Ở Việt Nam, hiện nay các uyên ương cũng quan tâm tới việc cầu hôn. Nhiều cặp đôi còn tổ chức tiệc đính hôn long trọng và đánh dấu mốc quan trọng đó trước sự chứng kiến của bạn bè, người thân. Để chuẩn bị hoàn hảo nhất, bạn nên biết một số điều thú vị xung quanh việc cầu hôn và chiếc nhẫn đính hôn.
Hình ảnh thường gặp nhất là chàng trai sẽ quỳ gối, mang hoa hồng và nhẫn để tặng cho cô gái mình yêu, coi như thể hiện tình cảm muốn gắn bó trọn đời. Ngoài ra, cũng có nhiều cách lãng mạn để “lấy lòng” cô dâu tương lai như sắp xếp một bàn tiệc nhỏ với rượu vang, ánh nến, cầu hôn dưới bầu trời sao hoặc bên bãi biển thơ mộng… Mọi người thường cho rằng, việc cầu hôn chủ yếu là đặc quyền của các chàng trai, nhưng cũng có một ngày đặc biệt mà phụ nữ có thể thổ lộ với người mình yêu.
Ngày 29/2 được biết đến là “ngày nhuận” (tên tiếng Anh là leap day), 4 năm mới có một lần, vào ngày đó, những cô gái có thể chủ động ngỏ lời với người mình yêu mà không cần ngượng ngùng hay e ngại. Lịch sử về việc này được cho là bắt nguồn từ một câu chuyện cổ tích của Ireland. Thánh nữ Bridget than phiền với thánh Patrick rằng, phụ nữ ở xứ Ireland phải chờ rất lâu mới được đàn ông trong làng cầu hôn. Cuối cùng, hai vị thánh thỏa thuận, phụ nữ sẽ được chủ động ngỏ lời vào ngày nhuận, 4 năm mới có một lần.
Người ta tin rằng đây là cách để cân bằng vai trò truyền thống giữa nam và nữ. Đến năm 1288, Nữ hoàng Margaret của Scotland đã ban hành một đạo luật, trong đó quy định sẽ có một hình phạt nhỏ dành cho các chàng trai khi khước từ lời cầu hôn trong ngày nhuận. Nếu từ chối, họ sẽ phải xin lỗi người ngỏ lời bằng một nụ hôn hay một bộ váy bằng lụa. Hiện nay, phong tục này vẫn còn khá phổ biến ở vương quốc Anh và vẫn là một điều lãng mạn dành cho những người phụ nữ cá tính.
– Hầu hết các chàng trai đều “thăm dò” người yêu của mình trước khi mua nhẫn cầu hôn. Nhiều chàng khéo léo rủ bạn gái đi cùng, hay cho người yêu xem ảnh nhẫn, mượn nhẫn của nàng để chọn đúng size… Và hầu hết các chàng trai chỉ mua nhẫn khi đã chắc chắn về kiểu dáng người yêu mình thích.
– Theo tạp chí Brides, các chú rể phương Tây tiêu tốn trung bình khoảng 5.000 USD cho một chiếc nhẫn đính kim cương cầu kỳ. Còn ở châu Á, số tiền này xấp xỉ 2.000 USD. Nhiều cửa hàng trang sức tại Việt Nam lại ước tính, số tiền trung bình mà một người đàn ông Việt bỏ ra để mua nhẫn cầu hôn tặng bạn gái khoảng 600-1.000 USD.
– Nhẫn đính hôn cổ điển, gắn một viên kim cương lớn duy nhất vẫn là lựa chọn được nhiều người yêu thích trong suốt hàng chục năm qua.
– 96% các chàng trai mua nhẫn đính hôn bằng vàng trắng thay vì mua nhẫn vàng màu.
– Khi được hỏi, nhiều cô gái cho biết, thời điểm họ thích nhận được lời cầu hôn và chiếc nhẫn lấp lánh là tháng 12. Nhiều cô dâu tương lai giải thích, đây được coi như tháng lễ hội, lại rơi vào mùa đông lạnh, nên họ muốn nhận được một lời cầu hôn ấm áp để ghi dấu ấn đáng nhớ.
– Theo tạp chí Knot, chỉ 37% cô gái bất ngờ về màn cầu hôn. Số còn lại thường biết trước vì họ chính là người đi mua nhẫn cùng bạn trai.
– 75% các cô gái nhận được lời cầu hôn đều đăng tải hình ảnh và “khoe” với bạn bè trên Facebook