Váy cưới truyền thống không có màu trắng
Váy cưới ban đầu của những cô dâu không có màu trắng. Trên thực tế, màu sắc truyền thống của váy cưới rất đa dạng, nó được may bằng màu đỏ, xanh, tím hoặc thậm chí là màu đen xen vàng và bạc.
Mãi cho đến năm 1840, khi Nữ hoàng Victoria diện chiếc váy cưới màu trắng trong đám cưới với Hoàng tử Albert thì màu trắng mới trở thành màu sắc thịnh hành cho váy cưới của cô dâu như hiện nay. Màu trắng tượng trưng cho sự trong trắng, trinh nguyên.
Ngón tay đeo nhẫn
Ngay từ thời cổ đại, nhẫn đính hôn và nhẫn cưới đã được đeo trên ngón tay áp úp của bàn tay trái. Người La Mã tin rằng có một mạch máu trong ngón tay đặc biệt này, được gọi là mạch máu “amoris” (hay “mạch máu của tình yêu”) kết nối trực tiếp đến trái tim mỗi người.
Chiếc nhẫn đính hôn bằng kim cương đầu tiên
Hành động trao nhẫn đính hôn là tục lệ có từ thời La Mã cổ đại. Nhưng chiếc nhẫn đính hôn bằng kim cương đầu tiên được ghi nhận xuất hiện vào năm 1477, khi hoàng tử Maximilian nước Áo trao cho vị hôn thê của mình là nàng Mary xinh đẹp của xứ Burgundy.
Đàn ông hôn vợ sẽ sống lâu hơn
Đây cũng là một sự thật ít người biết đến. Các nhà khoa học đã chứng minh những người đàn ông hôn vợ vào buổi sáng được cho là sống lâu hơn 5 năm so với những người không thường xuyên thực hiện hành động này. Vì vậy, người ta khuyên các ông chồng hãy bắt đầu một ngày mới bằng cách dành tặng cho vợ một nụ hôn nồng nàn.
Lòng vị tha là chìa khóa của hôn nhân hạnh phúc
Một nghiên cứu năm 2006 của Trung tâm nghiên cứu Ý kiến quốc gia tại Đại học Chicago, Mỹ chỉ ra rằng lòng vị tha chính là yếu tố gieo mầm cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Những người tham gia cuộc nghiên cứu đã được hỏi họ có đồng ý với các phát biểu về lòng vị tha như: “Tôi thà chịu đau khổ một mình còn hơn để người tôi yêu phải gánh chịu khổ đau”; “Tôi sẵn sàng hy sinh nhu cầu riêng để cho người tôi yêu đạt được điều họ muốn”.
Kết quả là những người đồng ý với ý kiến trên có xu hướng ca ngợi hôn nhân của họ nhiều hơn.
Trong đó, 67% số người sống cực kì vị tha đánh giá hôn nhân của họ “rất hạnh phúc”. Chỉ có 50% trong nhóm được xếp là sống ít vị tha hơn hài lòng với cuộc hôn nhân của mình.
Lòng vị tha chính là yếu tố gieo mầm cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc (Ảnh: TuArts Nguyen Studio).
Dựa vào nụ cười có thể nhận biết người bạn đời lý tưởng
Nếu bạn muốn biết người mình yêu có phải là bạn đời lý tưởng hay không, có một cách rất đơn giản đó là hãy xem những bức ảnh người ấy chụp trước đó xem họ cười thế nào.
Theo một nghiên cứu năm 2009 của Đại học DePauw, Indiana (Mỹ), các nhà khoa học đã tìm hiểu album ảnh từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường của rất nhiều người và đánh giá mức độ rạng rỡ của nụ cười từ 1 đến 10.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người có nụ cười gượng gạo hoặc vẻ mặt nghiêm trang khi chụp ảnh thường có xu hướng ly hôn cao gấp 3 lần so với người hay nở nụ cười rạng rỡ khi chụp ảnh.
Phụ nữ có quyền cầu hôn
Hầu hết thời nay các lời cầu hôn đều xuất phát từ nam giới, song phụ nữ thực sự cũng có quyền và sức mạnh khi là người chủ động đưa ra câu nói này.
Thực ra xu hướng phụ nữ cầu hôn này đã được những người Scotland khởi xướng cách đây nhiều thế kỉ. Cụ thể là năm 1228, Scotland trở thành nước Châu Âu đầu tiên mà phụ nữ có quyền cầu hôn. Sau đó đạo luật này đã lan rộng khắp châu Âu.
Hôn nhân giúp tránh phạm tội
Tình yêu có lẽ là tất cả những gì chúng ta cần, ít nhất là để tránh xa các rắc rối. Theo một nghiên cứu năm 2010 của Đại học Michigan State (Mỹ), hôn nhân làm giảm thiểu các hành vi phạm tội đến 35% ở đối tượng nam giới có nguy cơ phạm tội cao.
Trong khi các tác giả của những nghiên cứu này chưa giải thích được vì sao hôn nhân có tác dụng tích cực đến hành vi của nam giới nhưng có thể khẳng định chẳng người đàn ông nào muốn vào tù khi họ có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Nguồn gốc từ “kết hôn”
Thuật ngữ “kết hôn” xuất phát từ phong tục trói tay từ thời trước công nguyên. Trong đó các cặp đôi đã đính hôn sẽ trói tay lại với nhau: tay phải với tay phải, tay trái với tay trái trước sự chứng kiến của nhân chứng. Điều này thể hiện các cặp đôi đã cưới nhau được 1 năm 1 ngày. Sau thời gian này, họ trở lại tình trạng như trước khi hết hôn.
Sự khác biệt ở bộ não nam/nữ khi yêu
Trong một nghiên cứu năm 2007 tại Đại học Rutgers ở New Jersey (Mỹ), các nhà khoa học phát hiện ra những người đàn ông đang yêu có khu vực thị giác trong não bộ hoạt động nhiều hơn. Trong khi đó não bộ của phụ nữ khi yêu lại hoạt động mạnh ở vùng điều khiển trí nhớ.
Từ đó các nhà khoa học đưa ra kết luận sự khác biệt này liên quan đến nhân chủng học nhiều hơn là sinh học. Cụ thể, đàn ông có thể đánh giá khả năng sinh nở ở phụ nữ bằng ánh mắt. Còn phụ nữ không thể đánh giá khả năng làm tình của đàn ông thông qua vẻ bề ngoài. Vì thế, họ phải ghi nhớ một số đặc điểm cụ thể mới có thể kết luận chính xác xem người đàn ông đó có phải là người bạn đời lý tưởng không.